Written by on

Sự thiếu tin tưởng của người tiêu dùng khiến mua bán online tại Indonesia dù được kỳ vọng khá nhiều nhưng chưa có những đột phá lớn thời gian qua.
Thương mại điện tử tại Indonesia được đánh giá có tiềm năng phát triển rất cao với sự có mặt của hầu như tất cả các loại mặt hàng. Hơn thế, điều quan trọng nhất nằm ở chỗ quốc gia này đông dân, dân số trẻ và ngày càng giàu có.

Trong báo cáo mới nhất, công ty Macquarie Research (Mỹ) nhấn mạnh năm ngoái ngành thương mại điện tử tại Indonesia chỉ tăng 65%, thay vì 80% như các dự đoán trước đó. Điều này cho thấy tốc độ tận dụng lợi thế mua hàng online của người tiêu dùng tại đây vẫn giảm phần nào so với mong đợi.

Lý do của sự ì ạch đã được các nhà đầu tư và người làm thương mại điện tử mổ xẻ tại hội nghị công nghệ thường niên được tổ chức bởi Macquarie vào tuần trước tại thủ đô Jakarta. Báo cáo của đơn vị này đưa ra kết luận rằng một phần đến từ việc thiếu niềm tin khiến người tiêu dùng không mấy mặn mà với các hoạt động mua bán online.

Báo cáo được đưa ra từ các nguồn dữ liệu tổng hợp của Euromonitor, Statista và IDC. Kết quả cho thấy thị trường thương mại điện tử hiện thời tại Indonesia có giá trị 8 tỷ USD, tương đương với ước tính của IDC. Các tính toán này đến từ tổng giá trị hàng hóa được bán thông qua các kênh trực tuyến như người bán lẻ online hay các nền tảng thương mại điện tử, trừ các đại lý du lịch và ứng dụng chia sẻ xe. Macquarie lạc quan hơn IDC trong dự báo năm 2020 với giá trị thị trường có tiềm năng đạt 65 tỷ USD. Con số IDC đưa ra chỉ khiêm tốn ở mức 21 tỷ USD.

Đây vẫn là một viễn cảnh rất khả quan, ngoại trừ việc các mục tiêu tăng trưởng bị chậm lại một chút. Để giải thích thêm về sự trì trệ trong tăng trưởng, Macquarie trích dẫn một nghiên cứu đồng tác giả bởi Hiệp hội Thương mại điện tử Indonesia, công ty nghiên cứu MARS Indonesia và tạp chí marketing SWA.

Nghiên cứu đã khảo sát trên 1.800 người từ các thành phố và nền kinh tế xã hội khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu chính là người tiêu dùng vẫn chưa tìm thấy cái gọi là “sức hút khó cưỡng” của việc mua hàng trực tuyến.

59% người được khảo sát nói rằng họ vẫn chưa mua hàng qua mạng vì thích cách mua bán truyền thống hơn. Trong khi đó, 1/3 nói rằng họ không tin tưởng những cửa hàng online. Chỉ 10% số này cho biết giá rẻ sẽ là điều thôi thúc khiến họ buộc phải chọn mua hàng trực tuyến.

Trong số những người đã thử mua hàng online, 71% nói họ không thích việc không được thử đồ trước khi mua. 57% lo sợ về nguy cơ gian lận và một nửa thì cho biết chất lượng sản phẩm nhận được không tương hợp với những gì họ mong đợi. Tuy nhiên, về mặt tích cực thì có đến 83% nói rằng mua sắm online là thiết thực và tiết kiệm thời gian.

Các vấn đề về cơ sở hạ tầng như giao hàng chậm hay thiếu tin cậy cũng như chưa có hình thức thanh toán dễ dàng cũng làm tăng thêm sự e ngại của người tiêu dùng. Song những người tham gia hội thảo cho rằng việc xây dựng lòng tin với khách hàng là điều mà các startup có thể làm được.

Kenneth Bishop, Giám đốc điều hành Facebook Đông Nam Á cho rằng, các doanh nghiệp trong khu vực cần phải đẩy nhanh các chiến lược di động để thúc đẩy mọi người đến với ngành này nhiều hơn nữa, bằng từng lĩnh vực nhỏ trong đó. “Khi thương mại điện tử đang phát triển tại Đông Nam Á, ngành công nghiệp phải đối mặt với thử thách trong các lĩnh vực như thanh toán và lòng tin của khách hàng”, ông nói.

Trong báo cáo, Macquarie Research kết luận rằng các doanh nghiệp thương mại điện tử cần làm việc nhiều hơn trong việc cải thiện thời gian giao hàng và linh hoạt hơn trong chính sách hoàn trả.

Dù còn trì trệ, Macquarie vẫn đưa ra một cái nhìn chung tích cực với ngành thương mại điện tử Indonesia, được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 65% lên 70% mỗi năm vào năm 2020.